“Như xã Phượng Kỳ thì đừng nói ở Hải Dương chứ trong cả nước có lẽ cũng rất hiếm. Đảng bộ xã này đã phải phấn đấu tới 63 năm mới lần đầu đạt được danh hiệu trong sạch vững mạnh. Mà đây lại là động lực, là chất xúc tác quan trọng để giúp Phượng Kỳ “bay” lên”, đồng chí Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tứ Kỳ nói.

"Đường Phượng Kỳ xe gì cũng hỏng"

Chúng tôi về xã Phượng Kỳ lần đầu vào năm 2007. Bấy giờ, nhiều địa phương ở Tứ Kỳ đang phát triển, dân tình giàu có nhưng Phượng Kỳ thì vẫn nghèo nhất huyện.

Khu làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã toàn nhà xây đã cũ hoặc nhà cấp 4 lụp xụp. Đời sống của phần đông người dân khó khăn, túng thiếu, không ít hộ vẫn ở trong nhà lợp mái lá. Tuyến đường trục dẫn từ đường tỉnh 391 vào trung tâm xã nhiều "ổ trâu", "ổ voi", đi lại vô cùng vất vả. Chúng tôi từng phải dong xe máy đi cả đoạn dài trên tuyến đường này vì trời mưa đường trơn trượt, bùn đất bám dính đầy bánh xe. “Phượng Kỳ chưa mưa đã lội, chưa nắng đã hạn”, “Đường Phượng Kỳ xe gì cũng hỏng”… là những câu mà người ta thường dùng để nói về xã nghèo Phượng Kỳ.

Đường trục xã và Trường Tiểu học Phượng Kỳ năm 2009

Nhưng Phượng Kỳ bây giờ đã “lột xác” hoàn toàn, làm chúng tôi và những người nhiều năm không quay trở lại rất bất ngờ.

Tuyến đường trục xã 391N đã được trải bê tông rộng thênh thang, hai xe ô tô tải cỡ lớn tránh nhau thoải mái. Trụ sở nhà làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã, hội trường trung tâm được xây dựng to đẹp. Chúng tôi cho flycam bay xung quanh mấy thôn thấy choáng ngợp vì cảnh nhà biệt thự, cao tầng mọc lên như nấm. Nhiều gia đình trong xã có xe ô tô. Trường học, trạm y tế được xây đồng bộ, khang trang, đều đã đạt chuẩn quốc gia. Tuyến nhánh đường 391N từ Phượng Kỳ sang xã Văn Tố vừa hoàn thành, mới bàn giao vào sử dụng tiếp tục mở ra cơ hội cho Phượng Kỳ bứt tốc đi lên.

Bí thư Đảng ủy xã Phượng Kỳ Nguyễn Văn Phú hồ hởi khoe: “Năm 2020, Phượng Kỳ đã về đích nông thôn mới. Xã nghèo như chúng tôi mà hoàn thành được mục tiêu này trước cả mấy xã có điều kiện hơn đấy. Thu nhập bình quân đầu người đến tháng 6.2021 đã đạt khoảng 54 triệu đồng/người/năm, không thua kém những xã tốp đầu trong huyện là bao. Từ một xã thuần nông, Phượng Kỳ giờ đang vươn lên mạnh mẽ với tỷ trọng ngành công nghiệp cao hơn cả nông nghiệp”.

Phượng Kỳ hôm nay

Thoạt nhìn, Phượng Kỳ cũng chẳng khác gì so với đa số những địa phương khác. Nhưng khi đi tìm hiểu sâu mới thấy được sự thay đổi của địa phương này diễn ra mạnh mẽ như thế nào. Chưa bao giờ, cán bộ và nhân dân Phượng Kỳ có được cơ đồ phát triển như hôm nay.

Từ một xã nghèo nhất huyện, người dân Phượng Kỳ giờ đi đâu cũng có thể tự hào và ngẩng cao đầu. Nền tảng, động lực nào đã giúp Phượng Kỳ thay đổi đáng kinh ngạc như thế? Bởi nơi đây nhiều diện tích đất là bờ sông, bãi sú, đất trũng, chua phèn chiếm tới ¾, tựu chung là không có nhiều điều kiện để có thể phát triển được như hiện tại.

Khi ý Đảng hợp lòng dân

Chúng tôi đã tìm gặp được ông Phạm Quốc Ân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phượng Kỳ giai đoạn 2005-2009 - một trong những người hiểu cặn kẽ nội tình của địa phương. Ông Ân đang là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã.

Nói đến sự phát triển hiện tại, ông Ân nhận định quê hương mình đang “đổi thay nhanh, vững chắc và chưa từng có”. Thành quả này so với những địa phương khác chưa là gì nhưng với Phượng Kỳ lại là câu chuyện “ít người mơ tới”. Nó là kết tinh của nhiều yếu tố nhưng xuyên suốt là ý Đảng đã phù hợp với lòng dân, dân tin vào Đảng. Đây chính là sức mạnh giúp địa phương vượt qua mọi khó khăn, thử thách và có được sự phát triển như hôm nay.

Nhắc lại lịch sử, ông Ân thẳng thắn cho biết nguyên nhân nhiều năm trước đây Phượng Kỳ nghèo, chậm phát triển nhất huyện một phần là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ ý Đảng và lòng dân chưa đồng thuận. Nhiều chủ trương, quan điểm, kế hoạch phát triển của cấp ủy, chính quyền chưa phù hợp, không nhận được sự đồng tình của nhân dân. Kết quả thực hiện nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu cấp trên giao không hoàn thành. Ngay trong Đảng bộ cũng có những găn gợn, chưa có sự đoàn kết, thống nhất, vẫn còn tình trạng cục bộ, bè phái nên đã kìm hãm sự phát triển của địa phương trong thời gian rất dài. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu, có người còn vi phạm pháp luật, bê tha rượu chè, làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Mỗi năm cả Đảng bộ chỉ có 1-2 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Việc phấn đấu Đảng bộ trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.

“Cũng phải thừa nhận thế hệ cán bộ của xã trước đây chủ yếu “ăn đong”, nhiều đồng chí không qua trường lớp nào. Trình độ, tư duy hạn chế cũng là rào cản lớn khiến xã lâm vào tình trạng chậm phát triển”, ông Ân nhớ lại.

Năm 2009, Huyện ủy Tứ Kỳ đã điều động một cán bộ về giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phượng Kỳ để giải quyết những hạn chế kéo dài nêu trên. Đội ngũ cán bộ địa phương từng bước được “thay máu” theo hướng trẻ hóa, có trình độ, năng động, sáng tạo, gần dân, trọng dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đảng bộ Phượng Kỳ đặc biệt quan tâm xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong cán bộ, đảng viên, quán triệt tinh thần “lấy dân làm gốc” trong triển khai mọi nhiệm vụ. Mỗi cán bộ nghiêm túc thực hiện “nói đi đôi với làm”. Cấp ủy, chính quyền thường xuyên kiểm điểm trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong điều hành, thực hiện nhiệm vụ. Lãnh đạo địa phương dành nhiều thời gian xuống cơ sở, trao đổi, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, nhân dân. Những vấn đề nhân dân bức xúc, dư luận quan tâm sẽ được ưu tiên giải quyết nhanh trên tinh thần thượng tôn pháp luật…

Lãnh đạo xã Phượng Kỳ thường xuyên xuống cơ sở, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân

Đúng 1 năm sau, năm 2010, Đảng bộ xã Phượng Kỳ lần đầu tiên đạt được danh hiệu trong sạch vững mạnh sau 63 năm xây dựng và phát triển. Danh hiệu này không chỉ là dấu mốc lịch sử đặc biệt mà còn trở thành động lực to lớn cho toàn Đảng bộ tiếp tục phấn đấu vươn lên. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Người dân hài lòng, tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ vào những quyết sách của địa phương. Đây chính là điểm mấu chốt để Phượng Kỳ tăng tốc vượt khó vươn lên.

Nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án do Đảng bộ xã triển khai trong hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 đã thành công do có sự tin tưởng, đồng thuận của nhân dân như: dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng nông thôn mới, cải tạo nâng cấp đường giao thông nông thôn…

Nhân dân Phượng Kỳ hiến đất làm đường

Chung tay dựng xây quê hương

Theo chân các đồng chí lãnh đạo xã Phượng Kỳ đi thăm một vòng các thôn càng cảm nhận rõ sự thay đổi đến khó tin ở vùng quê từng nghèo nhất huyện này. Mấy người dân có nhà cao tầng cho biết đó là thành quả của quá trình đi xuất khẩu lao động.

Nhà cao tầng ở Phượng Kỳ mọc lên san sát

Nhắc đến xuất khẩu lao động thì Phượng Kỳ là số 1 ở Tứ Kỳ. Trong 10 năm qua, xã đã tuyên truyền, vận động hàng nghìn lượt người dân đi xuất khẩu ở khắp các nước châu Á, châu Âu. Lao động trong độ tuổi còn lại thì đi làm công ty với thu nhập ổn định. Một bộ phận vẫn theo sản xuất nông nghiệp nhưng chuyển hướng chăn nuôi cho thu nhập cao chứ không quanh quẩn chỉ biết cấy mỗi năm hai vụ lúa như trước. Dân có điều kiện đã đầu tư làm nhà cao tầng, mở hàng quán kinh doanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Có điều kiện, người dân không tiếc công, tiếc của tham gia xây dựng quê hương. Anh Đoàn Văn Mão, một người dân ở thôn Như Lâm đã tình nguyện hiến 830m2 đất ở để thi công tuyến nhánh đường 191N (đường trục từ xã Phượng Kỳ đi xã Văn Tố) chia sẻ: “Nhiều người bảo sao lại hiến đất nhiều thế, không giữ lại để mà mở cửa hàng kinh doanh hoặc bán đi cũng có tiền tỷ. Tôi chỉ nghĩ mỗi người vì quê hương một chút thì sẽ tạo ra sự đổi thay. Đường lớn đã mở, mai này quê hương càng thêm phát triển, đời sống nhân dân càng ấm no, hạnh phúc thì chẳng hạnh phúc hơn sao”.

Những khu ruộng trũng, cấy lúa chẳng đủ ăn năm nào ở Phượng Kỳ giờ đã trở thành vùng chăn nuôi thủy sản, gia súc, trồng cây ăn quả. Ông Phạm Hữu Trường có trại nuôi gà bảo có nằm mơ cũng không nghĩ kinh tế gia đình lại được như hôm nay. “Mỗi năm tôi nuôi 12.000 – 13.000 con, doanh thu khoảng 600 triệu đồng. Cứ như trước khu này cấy lúa chỉ được vài thúng thóc, có vụ mất trắng vì chuột cắn phá. Tất cả là do xã đã có những quyết sách đúng đắn giúp nhân dân chúng tôi đổi thay”, ông Trường nói.

Những diện tích ruộng trũng cấy lúa bấp bênh năm nào ở Phượng Kỳ nay đã trở thành trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cụ Nguyễn Thế Chức, 83 tuổi, đảng viên ở thôn Như Lâm là người tham gia viết cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Phượng Kỳ giai đoạn 1930 – 2010 khẳng định chưa bao giờ Đảng bộ địa phương lại nhận được sự tin tưởng, kỳ vọng lớn như trong 10 năm trở lại đây. Nhận thức của cán bộ, đảng viên đã thay đổi rõ rệt, theo kịp xu hướng phát triển của tỉnh, của cả nước. Vai trò lãnh đạo của Đảng rõ rệt, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao. Xã Phượng Kỳ trước kia "9 người 10 ý". Nay cả Đảng bộ và nhân dân cùng chung một ý chí, Đảng lấy dân làm gốc, dân tin tưởng theo Đảng. Thế nên, dù quá trình xây dựng quê hương gặp rất nhiều khó khăn thì người dân vẫn đoàn kết một lòng, tham gia xây dựng quê hương bằng niềm tin và khả năng cao nhất.

“Những mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt mà xã đặt ra rất lớn và khó khăn. Nhưng cá nhân tôi vẫn tin tưởng với sự đoàn kết, sáng tạo như hiện tại thì không có việc gì khó cả. Quan trọng hơn là đằng sau cấp ủy, chính quyền luôn có sự ủng hộ của nhân dân. Đây là sức mạnh, là nguồn cội để đi tới những thành công tiếp theo”, cụ Chức nhấn mạnh.

Phượng Kỳ đã đề ra nhiều mục tiêu thể hiện khát vọng rất cụ thể trong những năm tiếp theo, đó là về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chủ động thay đổi để thích ứng với dịch bệnh, tranh thủ tối đa nguồn lực để tăng tốc, vượt khó… Đảng bộ xã yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện 5 rõ: rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm. Đảng bộ sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Phú nhận định nhiệm vụ trước mắt là rất khó khăn nhưng tự tin sẽ hoàn thành bởi chung quanh luôn có dân một lòng tin tưởng, ủng hộ.

Đảng bộ xã yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện 5 rõ trong thực hiện nhiệm vụ, hướng tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025

Phượng Kỳ đang “bay” lên và sẽ còn phát triển hơn nữa. Sự đổi thay của quê hương giúp mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Phượng Kỳ, rộng hơn là tất cả những địa phương khác nhận thức được rằng chỉ khi tinh thần đoàn kết được phát huy, ý Đảng lòng dân hòa cùng một nhịp thì khó khăn, thử thách nào cũng có thể vượt qua.

TIẾN MẠNH - NINH TUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    63 năm đi tìm một danh hiệu