Điểm danh những dự án "khủng" bỏ hoang

Từng được kỳ vọng lớn nhưng đến nay những dự án của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương, Công ty TNHH Thực phẩm Tin Tin, Công ty CP Hoàng Long Steel, Công ty CP Vinamit, Công ty CP May công nghệ cao Hải Dương vẫn là những bãi hoang gây xót lòng.

Đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, UBND tỉnh về việc công khai vi phạm đất đai đối với 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, năm 2021, sở đã kiểm tra, rà soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với 28 doanh nghiệp. Kết quả có 3 doanh nghiệp vi phạm phải công khai là Công ty TNHH Thực phẩm Tin Tin, Công ty CP Hoàng Long Steel, Công ty CP Vinamit do những doanh nghiệp này để đất hoang hóa, không triển khai thực hiện dự án, trong đó dự án của Vinamit “đứng đầu bảng”.

Mở hướng thoát nghèo cho nông dân... trên giấy

Năm 2011, tại khu đất vừa giải phóng mặt bằng rộng 35 ha nằm giáp ranh giữa 2 phường Ái Quốc và Nam Đồng (TP Hải Dương) diễn ra buổi lễ khởi công rầm rộ dự án Nhà máy Chế biến – tổng kho bảo quản rau, củ, quả của Công ty CP Vinamit.

2.jpg
Loạt ảnh về lễ động thổ khởi công dự án

Theo những thông tin được công bố công khai thì Nhà máy Chế biến – tổng kho bảo quản rau, củ, quả này có quy mô chế biến nông sản 20,5 tấn/ngày, sản xuất nước ép đóng chai 500 lít/giờ, xây dựng kho cấp đông 30 tấn/ngày, kho trữ đông 4.000 tấn/năm. Ngoài ra, ở đây còn xây dựng mô hình giới thiệu quy trình sản phẩm nông nghiệp có diện tích gần 8,5 ha…

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 284 tỷ đồng, được kỳ vọng sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho 300 công nhân và tạo sinh kế thoát nghèo cho hàng nghìn hộ nông dân địa phương.

Tuy nhiên, 11 năm sau khi bàn giao đất cho Vinamit, khu đất rộng 35 ha giờ đây vẫn là một bãi cỏ um tùm được bao quanh bởi những bức tường bao. Hình hài duy nhất của dự án chỉ là 2 nhà kho rộng khoảng 4.000m2 nhưng bỏ không suốt nhiều năm qua. Thấy khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm vài người dân mua những đàn trâu, bò rồi lùa vào khu đất để chăn thả.

Ông Đoàn Văn Tịch ở khu dân cư Vũ Xá, phường Ái Quốc bức xúc nói: “Từ cánh đồng bờ xôi ruộng mật rộng bao la như thế này mà bỏ hoang hơn chục năm nay trong khi người dân không còn gì để canh tác, phải đi làm thuê. Mong muốn của chúng tôi là trả lại cho dân khu đất này để canh tác”.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ tháng 1.2011 – 6.2013, tỉnh đã cho phép nhà đầu tư 2 lần gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ” với hàng loạt lý do như suy thoái kinh tế, gặp khó khăn tài chính…

Tháng 8.2017, UBND tỉnh thông báo chủ trương chấm dứt hoạt động dự án Vinamit trước thời hạn và thu hồi các giấy chứng nhận đầu tư đã cấp.

Đến tháng 3.2018, Vinamit lại có văn bản đề nghị tiếp tục được gia hạn thời gian hoàn thành thêm 24 tháng nhưng UBND tỉnh không chấp thuận.

Về dự án này, ông Đinh Duy Do, Phó Chủ tịch UBND phường Ái Quốc cho biết: “Khi triển khai, dự án nhận được sự đồng tình cao của người dân. Họ mong muốn có nhà máy chế biến hoa quả để nâng cao giá trị nông sản, góp phần phát triển kinh tế của địa phương”.  

ong-do-3.jpg

Xin gia hạn không được, tháng 7.2018, Công ty CP Vinamit đề nghị xin được lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu thương mại dịch vụ và nhà ở tỷ lệ 1/500 trên diện tích đất dự án Vinamit.

quy-hoach-du-an-vinamit.jpg
Bản đồ quy hoạch theo đề xuất của Vinamit

Với đề nghị này, Sở TNMT có văn bản nêu rõ: Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh và TP Hải Dương vẫn tiếp tục xác định đây là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Việc đề xuất điều chỉnh dự án, lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu đất Vinamit thành khu thương mại dịch vụ và khu dân cư là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã duyệt.

Tương tự như vậy, Dự án Nhà máy luyện silicgang và cán thép nóng của Công ty CP Hoàng Long Steel để hoang hóa 18.200m2 đất tại xã Vĩnh Hưng (Bình Giang), không triển khai thực hiện dự án từ nhiều năm nay.

Công ty này được thành lập vào cuối năm 2013, có địa chỉ tại thôn Ngọc Mai, xã Hưng Thịnh (nay là xã Vĩnh Hưng), huyện Bình Giang. Khi mới thành lập, công ty có vốn điều lệ là 50 tỷ đồng.

Toàn bộ công trình xây dựng cơ bản, nhà cửa vật kiến trúc, hạ tầng gắn liền với đất thuê trả tiền hằng năm và các tài sản khác gắn liền với thửa đất có diện tích 18.200 m2 tại xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) và xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã bị mang ra thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tổng dư nợ của Công ty Hoàng Long đến thời điểm ngày 31.5.2022 là gần 232,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là hơn 135,3 tỷ đồng, nợ lãi và phí phạt quá hạn là 97 tỷ đồng. Được biết, giữa năm nay, Công ty Hoàng Long đã bị BIDV siết nợ.

Ngày 25.9, trong vai người đi thuê, phóng viên đã “mục sở thị” toàn bộ khuôn viên dự án này. Theo người bảo vệ, phần nhà xưởng được doanh nghiệp cho thuê làm kho chứa phế liệu nhiều năm nay, đơn vị thuê mới dọn đi được khoảng 2 tháng.

Xếp thứ ba trong danh sách của Sở Tài nguyên và Môi trường là Dự án Cơ sở sản xuất nước uống từ sản phẩm nông nghiệp, nước có ga của Công ty TNHH Thực phẩm Tin Tin. Dự án đã để hoang hóa trên 15.000m2 đất tại cụm công nghiệp Hoàng Diệu, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) từ năm 2015 đến nay. Các công trình trên đất dự án hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, đất bỏ hoang hóa. Thậm chí, hiện nay, các cơ quan của xã, huyện, tỉnh không liên hệ được với chủ đầu tư để làm việc.

7794c616-2e77-491c-8af6-b42541a01139.png
Danh sách các dự án chậm tiến độ, để hoang hóa do Sở Tài nguyên và Môi trường công bố

Hy vọng càng nhiều, thất vọng càng lớn

Cũng từng hy vọng dự án sẽ mang lại công ăn việc làm cho người dân, tạo động lực để địa phương phát triển, đến nay cả chính quyền và người dân các xã Cao Thắng và Tứ Cường của huyện Thanh Miện lại thất vọng vì Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách không biết bao giờ mới hoạt động.

Ngày 10.1.2017, UBND tỉnh có Quyết định chủ trương đầu tư, cho phép Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại cụm công nghiệp Cao Thắng (Thanh Miện). Dự án có diện tích khoảng 41 ha nằm trên địa bàn của 2 xã Cao Thắng và Tứ Cường, trong đó xã Cao Thắng khoảng 36 ha. Tổng vốn đầu tư dự án lên tới 1.056 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Người đại diện là ông Ki-Hak-Sung, quốc tịch Hàn Quốc. Dự án có quy mô 8,5 triệu sản phẩm dệt may, 500.000 chiếc túi xách/năm, tạo việc làm cho 10.000 lao động.

UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH YMSA Co.Ltd triển khai xây dựng, hoàn thành và đưa toàn bộ dự án vào hoạt động trong vòng 60 tháng. Ngày 3.3.2017, Công ty TNHH YMSA Co.Ltd đã thành lập Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương do Công ty TNHH YMSA Co.Ltd làm chủ sở hữu.

530afac1b9677d392476.jpg
7849a1eee24826167f59.jpg
8a1832ffb45970072948.jpg
e33bb5d78320477e1e31.jpg

Dự án của Công ty CP Hoàng Long Steel

18.200 m2, không thực hiện dự án

Dự án của Công ty TNHH Thực phẩm Tin Tin

hoang hóa hơn 15.000 m2, không hoạt động nhiều năm

Dự án của Công ty CP Vinamit

349.616 m2, không thực hiện dự án

Dự án của Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương (trước là Công ty TNHH YMSA)

khoảng 410.000 m2, chậm thực hiện dự án

Là dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nên UBND tỉnh đã cho chủ đầu tư hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… Người dân 2 xã Tứ Cường và Cao Thắng cũng nhanh chóng đồng thuận, bàn giao đất.

Nhưng từ năm 2017 đến nay, dự án này đã có 2 lần điều chỉnh chủ trương đầu tư và 6 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Từ dự án có vốn đầu tư nước ngoài sau nhiều lần thay đổi đã trở thành dự án có vốn đầu tư trong nước (hiện chủ đầu tư dự án đã được chuyển cho một doanh nghiệp mới với người đại diện là ông Bùi Văn Khuynh có địa chỉ ở huyện Thanh Hà). Công ty TNHH May công nghệ cao Hải Dương (chủ đầu tư dự án) cũng đã chuyển đổi loại hình thành Công ty CP May công nghệ cao Hải Dương. Chỉ có dự án là vẫn án binh bất động.

Ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho biết: “Dự án được doanh nghiệp triển khai từ năm 2018 nhưng đến nay, tại khu đất dành cho dự án, doanh nghiệp mới chỉ xây dựng được tường bao, làm đường gom, đường đấu nối với quốc lộ 38B”.

Chỉ còn 3 tháng nữa là đến thời hạn phải hoàn thành dự án nhưng đến nay Dự án đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất với diện tích gần 10 ha trong cụm công nghiệp Ba Hàng (TP Hải Dương) của Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương mới xây dựng được tường rào bao quanh dự án, phía bên trong cỏ mọc cao ngang đầu người, chưa có hoạt động đầu tư xây dựng. Với thực tế hiện nay, người dân lo ngại sẽ có một dự án Vinamit thứ hai tại khu vực này.

Dự án này được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tháng 4.2019. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 2.391 tỷ đồng. Tại thời điểm quyết định chủ trương đầu tư, đây là dự án sản xuất trong nước có tổng vốn đầu tư lần đầu lớn nhất trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm trở lại đây.

Theo kế hoạch, nhà đầu tư sẽ nhập các máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại từ châu Âu và đặt mục tiêu xây dựng dự án đồ gỗ nội thất tại Hải Dương có quy mô lớn và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của dự án là sản xuất đồ gỗ nội thất với quy mô mỗi năm 60.000 tủ gỗ, 300.000 m3 gỗ ván sàn, 50.000 cửa gỗ và chế biến 10.000 m3 gỗ xuất khẩu. Doanh nghiệp dự kiến sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng mỗi năm. UBND TP Hải Dương đã thực hiện cưỡng chế thu hồi đất của hàng chục hộ dân để có mặt bằng sạch bàn giao cho doanh nghiệp từ tháng 12.2019. Sau đó đến tháng 6.2020, UBND tỉnh có quyết định về việc thu hồi đất, cho Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương thuê để thực hiện dự án. Theo tiến độ yêu cầu, nhà đầu tư phải xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.

2200_image001.jpg
Mục sở thị
z3758991244442_2f45de29d84825900e6f17a855756e74.jpg
một số dự án
z3758991340051_10990a04dcb5b5662a3fc62481acfb63.jpg
từng đuọc kỳ vọng lớn
z3758991443148_76262cfc88438d3c9717b1972c1e2583.jpg
nhưng đến nay vẫn chỉ là những bãi hoang
z3758991469770_449bd10b50e5fb6ca12f3ffd8e4a5ccf.jpg
gây lãng phí nguồn lực đất đai, bức xúc trong nhân dân

Để tránh một dự án Vinamit thứ hai, ngày 5.3.2021, UBND TP Hải Dương đã báo cáo UBND tỉnh về việc thực hiện dự án của nhà đầu tư. Để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đất đai và quyết định của UBND tỉnh, UBND TP Hải Dương đã yêu cầu Công ty CP Tân Hoàng Minh Hải Dương triển khai ngay việc đầu tư hạ tầng thực hiện dự án và cam kết với UBND tỉnh, UBND TP Hải Dương về tiến độ thực hiện dự án. Nếu không, UBND TP Hải Dương đề nghị UBND tỉnh thu hồi khu đất này và kêu gọi đầu tư dự án mới theo quy định. Nhưng đến nay, đã cuối tháng 9 mà dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh còn nhiều dự án nằm “án binh bất động” như trên dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.

Nội dung: MAI LIÊN - THANH HOA - NGUYỄN LAN

Đồ họa: HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điểm danh những dự án "khủng" bỏ hoang