daibieuquochoi271022.jpg

.

Hơn 1 năm qua, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để không ngừng làm tốt chức năng, nhiệm vụ của một cơ quan dân cử, đại diện tiếng nói cử tri tại Quốc hội.

Thiết thực trong giám sát

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 có 9 đại biểu, gồm 4 đại biểu tại Trung ương, 5 đại biểu tại địa phương.

Chương trình giám sát và những vấn đề cử tri quan tâm là hai căn cứ cốt yếu trong việc triển khai khảo sát, giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh. Nhờ vậy, hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay có sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất.

daibieuquochoi3(1).jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát tại Công ty TNHH Rượu vang và rượu mạnh La Martiniquaise Việt Nam (Bình Giang)

Từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022, Đoàn giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh; chủ trì tổ chức 4 cuộc giám sát theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật, nghị quyết về các nội dung: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác quy hoạch và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

daibieuquochoi6.jpg

6 tháng đầu năm 2022, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc giám sát chuyên đề về những vấn đề cấp thiết, được dư luận quan tâm như việc thực hiện Luật Đất đai; các nghị quyết của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19... Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tổ chức 7 cuộc khảo sát việc thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Thanh tra; Luật Khám, chữa bệnh… trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng tích cực trong hoạt động tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân và giải thích, hướng dẫn cho công dân, giải quyết theo quy định. Qua đó, các đại biểu có thêm một kênh hiệu quả, thiết thực để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong thực tế. Thời gian qua, nhiều đại biểu Trung ương và địa phương về tham dự đầy đủ, đều đặn các buổi tiếp công dân định kỳ tại địa phương cấp huyện theo quy chế. Đây là một sáng kiến nổi bật của Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cũng là điểm sáng trong hoạt động của mà hiếm Đoàn ĐBQH nào trên toàn quốc làm được.

Hoạt động giám sát, khảo sát được tiến hành công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, mang lại hiệu quả rõ rệt.

"Nhiều ĐBQH tỉnh Hải Dương với tư cách là thành viên của các cơ quan của Quốc hội cũng tích cực tham gia các đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội tổ chức. Thực tiễn cho thấy hoạt động giám sát, khảo sát của đoàn đã góp phần vào việc bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật được thực thi đúng quy định trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội", đại biểu Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá.

Sôi nổi trên nghị trường

levanhieu_quochoi_910.jpg
Phát biểu trong phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ lo ngại về sự bất ổn của thị trường bất động sản và đề nghị điều tiết chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường 

Tháng 5 và 6 vừa qua, sau 19 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, xem xét khối lượng công việc lớn, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Góp sức vào sự thành công chung này, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng để lại nhiều dấu ấn.

daibieuquochoi10.jpg
Trong phiên thảo luận hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị Chính phủ tính toán kỹ lưỡng, đánh giá cụ thể về tiến độ các dự án

Trước kỳ họp, các thành viên chủ động khảo sát thực tế, nghiên cứu tài liệu để có những ý kiến tham luận chất lượng, đúng và trúng trên diễn đàn Quốc hội. ĐBQH tỉnh đã tham gia phát biểu 27 lượt để thảo luận, đóng góp tâm sức vào các dự án luật, nghị quyết, báo cáo của Chính phủ trình. 9 lượt ĐBQH tỉnh chất vấn các vị Bộ trưởng, trưởng ngành tại các phiên chất vấn của Quốc hội với những câu hỏi liên quan đến những vấn đề nóng như thị trường bất động sản, giá sách giáo khoa, giá xăng dầu và thực trạng sản xuất nông nghiệp.

Thay cử tri nói lên sự bức xúc trước tình trạng thị trường bất động sản lộn xộn thời gian qua, đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị Nhà nước vào cuộc mạnh mẽ để quản lý, điều tiết chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường bất động sản. 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại phiên chất vấn chiều 7.6 xoay quanh những bất cập về đất đai, nguồn vốn trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay.

daibieuquochoi11.jpg
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp chỉ ra 4 nội dung cần sửa đổi trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) tại hội trường Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV

Những phát biểu của ĐBQH cũng là những tâm tư, nguyện vọng được cử tri rất quan tâm, gửi gắm qua các buổi tiếp xúc. Nhìn lại 19 ngày hoạt động tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát huy vai trò dân cử trong một kỳ họp trực tiếp đầu tiên được tổ chức sau khi đại dịch Covid-19 lắng dịu.

daibieuquochoi5.jpg

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV của 3 tổ Đoàn ĐBQH tỉnh tại 6 huyện, thành phố diễn ra ngày 21.6.2022, nhiều cử tri đã bày tỏ sự hài lòng, phấn khởi với hoạt động sôi nổi của các ĐBQH tỉnh tại kỳ họp.

Ông Nguyễn Danh Nam, sinh năm 1961, ở thôn An Đoài, xã An Bình (Nam Sách) nhận xét rằng "tích cực, trách nhiệm, chân thành" là đánh giá của nhiều cử tri về hoạt động của đoàn tại kỳ họp.

Ông Phùng Văn Diện, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách chia sẻ: "Các ý kiến của các đại biểu trong đoàn đã tập trung vào những vấn đề nổi cộm, các nội dung mà cử tri đang đặc biệt quan tâm, mong mỏi chuyển tải đến nghị trường như tình hình phòng chống dịch Covid-19, triển khai các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh, hoàn thiện các chính sách, pháp luật đang còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn...".

Trước đó, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã có 2 lượt ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội trường, 21 lượt phát biểu thảo luận tổ và hàng chục lượt ý kiến phát biểu tại các buổi họp đoàn về công tác nhân sự. Tại Kỳ họp thứ 2, ĐBQH tỉnh có trên 30 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, 15 lượt ý kiến tại các phiên thảo luận trực tuyến và thảo luận tại hội trường, 5 lượt chất vấn thuộc các lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế, kế hoạch và đầu tư...

3 Kỳ họp Quốc hội khóa XV đã khép lại với dấu ấn tốt đẹp của Đoàn ĐBQH tỉnh để lại trong lòng cử tri và những đóng góp cho hoạt động của Quốc hội. 

Tích cực đóng góp xây dựng luật

Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực triển khai lấy ý kiến đối với các dự thảo luật theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để nâng cao chất lượng tham gia xây dựng luật, Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào các dự án luật bằng nhiều hình thức. Đó là tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đoàn cũng linh hoạt thực hiện cơ chế tư vấn của các tổ chức, chuyên gia, các đơn vị cho ĐBQH và Đoàn ĐBQH, nhất là đối với các dự án luật chuyên ngành.

Là một nữ ĐBQH trẻ, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung đặc biệt quan tâm nghiên cứu các dự thảo luật, tích cực tham gia đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh để lắng nghe những bất cập, thẳng thắn đưa ra quan điểm, góp ý xây dựng trên nghị trường. Tại phiên thảo luận sáng 1.6 Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, về vấn đề giáo dục và đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung chỉ ra rằng đây là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. "Một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực thì có cải cách mấy cũng bằng thừa", đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nói.

daibieuquochoi12.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến vào dự thảo dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại UBND TP Chí Linh

Năm 2021 và đầu năm 2022, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các hoạt động thường xuyên của Đoàn ĐBQH tỉnh gặp khó. Thích ứng với yêu cầu của tình hình mới, thời gian đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức xin ý kiến bằng văn bản gửi đến một số sở, ngành đơn vị liên quan. Song song với đó là tăng cường việc lấy ý kiến của chuyên gia pháp luật và của các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của luật.  

Việc đổi mới hình thức, mở rộng đối tượng tham gia lấy ý kiến góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh. Các ý kiến có chất lượng được Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tổng hợp vào kết quả tham gia ý kiến để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia phát biểu thảo luận tại các phiên họp của Quốc hội.

Đánh giá về kết quả hoạt động trong hơn 1 năm qua, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết: "Với trình độ lý luận, thực tiễn và bề dày kinh nghiệm, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đang nỗ lực hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp với quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, xứng đáng là đại biểu dân cử, vì dân".

quochoi_tiepxucutri910.jpg
Cử tri gửi gắm các đại biểu Quốc hội Hải Dương trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 20.10

Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực bước đầu, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đổi mới các hoạt động, đi sâu vào vấn đề dư luận, cử tri quan tâm, xứng đáng vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Nội dung: PHONG TUYẾT

Đồ họa: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đổi mới hoạt động