Vực dậy từ khủng hoảng của đợt dịch Covid-19 lần 3, các doanh nghiệp ở Hải Dương dần ổn định trở lại, nỗ lực gìn giữ thành quả chống dịch và tăng tốc sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn chưa từng có

Ngày 28.1, Bộ Y tế công bố bệnh nhân mắc Covid-19 mã số 1552 là công nhân Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam (Công ty Poyun) ở khu công nghiệp Cộng Hòa (Chí Linh). Những chuỗi ngày vất vả căng mình chống dịch của cả tỉnh Hải Dương nói chung và các doanh nghiệp nói riêng cũng bắt đầu từ đây. Chỉ sau 1 ngày công bố ca bệnh đầu tiên, Công ty Poyun đã trở thành ổ dịch khi có thêm 83 ca mắc mới. Con số về ca nhiễm cứ dần tăng lên trong sự hoang mang của công nhân, người lao động và quản lý doanh nghiệp khi xưởng sản xuất bỗng trở thành nơi cách ly tập trung tạm thời.

Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam là ổ dịch Covid-19 đầu tiên của Hải Dương trong đợt dịch thứ 3

Thay vì tập trung sản xuất thì công nhân lo lắng, bất an vì nỗi lo dịch bệnh. Rất nhanh sau đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng doanh nghiệp quyết tâm dập dịch. Thế nhưng, chủng biến thể SARS-CoV-2 ở Anh cùng với môi trường nhà máy, phân xưởng với hàng nghìn công nhân đến từ nhiều nơi cùng làm việc chung, sinh hoạt chung đã khiến tình hình dịch bệnh phức tạp, khó lường, việc khống chế gặp rất nhiều khó khăn... Chị Bùi Thị Dung, Trưởng phòng Máy, Công ty Poyun nhớ lại: "Vừa ngỡ ngàng, vừa hoảng sợ chính là cảm giác chung của công nhân trong thời điểm phát sinh dịch Covid-19. Vì đột ngột nên một số người có hành vi cực đoan, không chấp hành chỉ đạo từ trên khiến mọi việc càng trở nên rối. Khi ổn định trở lại, chúng tôi quyết tâm cùng doanh nghiệp vượt khó khăn". 

Trong đợt dịch Covid-19 thứ 3, Công ty Poyun là điểm nóng dịch Covid-19 của cả tỉnh với hơn 350 ca mắc. Những công nhân, người lao động còn lại đều thuộc diện F1, F2 phải cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Dịch bệnh đã làm doanh nghiệp phải dừng sản xuất gần 2 tháng. Những thiệt hại về kinh tế có thể đong đếm nhưng những bất ổn về tinh thần của công nhân cũng khiến công ty lo ngại cho tháng ngày tiếp theo. Với vai trò là giám đốc điều hành công ty, ông Chen Shu Ming thừa nhận doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chưa từng có. Trong khoảng thời gian tạm dừng hoạt động, ngoài phải bồi thường hợp đồng cũ thì những đơn hàng mới cũng lần lượt tuột khỏi tầm tay.

Với hơn 350 ca mắc Covid-19, Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam phải dừng sản xuất gần 2 tháng để tập trung phòng dịch

Từ ổ dịch Poyun, dịch Covid-19 nhanh chóng lây lan ra các địa phương khác trong tỉnh. Cấp bách và phức tạp hơn cả là tâm dịch Cẩm Giàng khi dịch bệnh liên tiếp len lỏi vào các phân xưởng, nhà máy. Tình hình càng nghiêm trọng hơn bởi đây là "thủ phủ" công nghiệp của cả tỉnh với khoảng 60.000 công nhân. 10 ca bệnh là công nhân của Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền có lịch sử dịch tễ phức tạp đã đặt toàn huyện vào tình thế nguy cấp. Gần 14.000 trường hợp F0, F1, F2 tại địa phương với đa số là công nhân, làm việc và sinh hoạt trong môi trường tập thể làm huyện ở trong trạng thái báo động đỏ về dịch Covid-19.

Huyện Cẩm Giàng là ổ dịch Covid-19 phức tạp vì có nhiều khu công nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng nếu như vị trí địa lý là lợi thế phát triển kinh tế của địa phương thì trong bối cảnh đại dịch đây lại là yếu tố vô cùng bất lợi vì khó khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Huyện có 2 tuyến quốc lộ chạy qua, 5 trong 10 khu công nghiệp của tỉnh nằm trên địa bàn. Thế mạnh về giao thông cũng giúp huyện thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư ngoài khu công nghiệp. Vì thế người dân ở trong và ngoài tỉnh tập trung về địa phương làm việc rất đông. Trong khi đó, doanh nghiệp này dừng hoạt động thì công ty khác vẫn phải duy trì sản xuất đều đặn bởi nếu chuỗi cung cầu bị tê liệt hoặc đứt gãy thì hậu quả sẽ khó lường. Điều này đã làm cho áp lực chống dịch càng thêm nặng nề.

Trong đợt dịch lần 3, Hải Dương là tâm dịch của cả nước. Dịch bùng phát trong khu công nghiệp khiến việc dập dịch khó khăn, vất vả hơn bao giờ hết. Hàng trăm công ty, nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động, hàng chục nghìn công nhân, người lao động phải nghỉ việc để phục vụ phòng chống dịch. Những đơn vị còn lại dù không có dịch song cũng chịu tác động lớn bởi việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa khó khăn, thậm chí ngưng trệ. Tình hình căng thẳng đến mức Hải Dương phải ra quyết định cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16.2-1.3 để bảo đảm an toàn cho người dân trong tỉnh cũng như các địa phương lân cận. Đó là quyết định cân não khi Hải Dương đã tính toán những được, mất nếu phong tỏa toàn tỉnh. Cú sốc về y tế là cú đánh trực diện vào nền kinh tế và chịu tổn thất lớn nhất chính là doanh nghiệp.

Dịch phát sinh trong doanh nghiệp đã đặt Hải Dương vào tình thế khẩn cấp

Nỗ lực từng ngày

Chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh, có những doanh nghiệp ở Hải Dương phải tạm ngừng hoạt động, có công ty chỉ sản xuất cầm cự vì mối lo dịch bệnh và thiệt hại kinh tế luôn thường trực. Tuy nhiên, điều kiện dịch bệnh cũng là cách để "lửa thử vàng", đánh giá sức bền và sự vững vàng của doanh nghiệp trước những thử thách, cam go chưa có tiền lệ.

Đợt dịch thứ 3 bùng phát với rất nhiều bất lợi cho Hải Dương. Ca bệnh phát sinh từ khu công nghiệp, môi trường dịch tễ phức tạp và đúng thời điểm diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các đồng chí lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo trực tuyến, khó chủ động nắm bắt tình hình. Thời gian chống dịch cũng trùng dịp Tết Nguyên đán nên khó khăn nhân lên gấp bội. Dù vậy, với sự quyết liệt và quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cùng sự phối hợp, đồng lòng của toàn dân, nhất là công nhân, người lao động trong doanh nghiệp, dịch bệnh ở Hải Dương từng bước được kiểm soát. Các doanh nghiệp cũng dần phục hồi, thận trọng, cảnh giác trong phòng chống dịch và bứt phá trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng không xao nhãng mà quan tâm chăm lo tới lợi ích của công nhân, người lao động.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương tổ chức cuộc họp khẩn về phòng chống dịch Covid-19 khi đang tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII

Nếu như trong đợt dịch lần 3, Công ty Poyun là điểm nóng thì tại lần 4 này, doanh nghiệp lại là điểm tựa cho công nhân, lao động. Sau gần 2 tháng dừng hoạt động, ngày 8.3, Công ty Poyun sản xuất trở lại với khoảng 300 công nhân. Dịch lần 4 nguy hiểm, khó lường hơn song công ty vẫn duy trì 100% quân số với khoảng hơn 3.500 công nhân. Trong khi nhiều doanh nghiệp bắt buộc dừng hoạt động để chống dịch thì công ty này vẫn duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng dịch. Đến đầu tháng 8, công ty đã ổn định sản xuất với mức tăng trưởng tương đương và số lượng đơn hàng tăng 20% so với trước thời điểm có dịch.

Để công nhân yên tâm sản xuất, chấp hành nghiêm quy định phòng dịch, doanh nghiệp hỗ trợ thêm mỗi người 10.000 đồng/ngày. Ngoài lương, thưởng theo chế độ, công ty cũng cân đối lợi nhuận để hỗ trợ công nhân, người lao động ở xa thuê nhà trọ hoặc thực hiện "3 tại chỗ". Hằng tuần, doanh nghiệp cũng tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 20% số lao động để sàng lọc ngẫu nhiên. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại công ty tính đến ngày 15.9 đã đạt 50%. Doanh nghiệp phấn đấu hết tháng 9, tỷ lệ tiêm phòng sẽ đạt từ 75-80%. 

Không chỉ Công ty Poyun mà các doanh nghiệp khác trên địa bàn TP Chí Linh hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong đợt dịch lần 4 là nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Bí thư Thành ủy Chí Linh Hoàng Quốc Thưởng khẳng định trong cuộc chiến chống Covid-19, không một ai có thể đứng ngoài cuộc. Bài học xương máu từ đợt dịch lần 3 đã giúp thành phố ứng phó với đợt lần 4 chủ động, vững tin hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp "nhập cuộc" nhanh chóng và quyết liệt hơn nên thành phố giữ vững được thành quả phòng chống dịch để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Khác với tình cảnh phải gấp gáp tổ chức cách ly, phong tỏa trong đợt dịch lần 3 do có 10 ca mắc Covid-19, hiện tại Công ty TNHH Vietory (Kinh Môn) đang tập trung nhân lực để kịp hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp đông công nhân, khoảng 3.500 người song tại các xưởng đều thực hiện tốt quy định phòng chống dịch. Công nhân chấp hành nghiêm quy định 5K, những vị trí làm việc không bảo đảm khoảng cách đều có vách ngăn. Dù vậy, kinh nghiệm từ đợt dịch trước, công ty không chỉ làm tốt phần ngọn và còn kiểm soát chặt chẽ từ gốc. Doanh nghiệp liên hệ chặt chẽ với các địa phương nơi công nhân sinh sống nhằm chủ động nắm bắt tình hình, có biện pháp ứng phó kịp thời. Đây là cách giúp công ty có thể phòng vệ từ xa để phát hiện sớm, khoanh vùng nhanh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh. 105 tổ "An toàn covid" của doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nên việc chống dịch và sản xuất được phối hợp nhịp nhàng, không có sai sót xảy ra. "Nhận thức của công nhân sẽ quyết định tới hiệu quả phòng chống dịch. Khi ý thức của người lao động được nâng cao thì không cần đến những quy định răn đe, xử phạt. Chính vì thế doanh nghiệp rất chú trọng tới công tác tuyên truyền", ông Dương Thanh Báu, Giám đốc điều Công ty TNHH Vietory cho biết.

Gần 1 tháng đầu năm 2021 đóng cửa để phòng dịch, Công ty TNHH Vietory mất hơn 50% số lượng đơn hàng. Dù vậy, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động trở lại, doanh nghiệp đã ổn định tình hình sản xuất, hợp đồng cũng tăng lên từng ngày. Công nhân không bị cắt giảm giờ làm hay lương, thưởng để bù vào thiệt hại kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Hương ở phường Hiệp An (Kinh Môn) phấn khởi nói: "Tôi phải cách ly gần 1 tháng nên lo lắng vì sợ mất việc, không có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng trong thời gian cách ly, công ty vẫn hỗ trợ lương cơ bản. Sau dịch được gọi đi làm trở lại nhưng lương, thưởng không bị cắt giảm. Doanh nghiệp còn thưởng cho công nhân được nêu gương thực hiện tốt quy định phòng chống dịch. Tất cả công nhân nhận ra bảo vệ sức khỏe bản thân là bảo đảm sản xuất cho doanh nghiệp, từ đó duy trì nguồn thu nhập cho chính mình nên ai nấy đều bảo nhau thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch".

Chuyển từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh" khi không phát sinh ca bệnh ở đợt dịch lần 4, các doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng không lơ là, chủ quan mà cảnh giác cao độ với dịch bệnh. Công ty TNHH Kuroda Karaku Việt Nam đã xây dựng kịch bản cụ thể khi dịch bệnh xảy ra ở từng phạm vi, mức độ cụ thể. Doanh nghiệp cũng có kế hoạch thực hiện "3 tại chỗ" để sản xuất không bị gián đoạn vì dịch. Anh Phạm Văn Cương, Trưởng phòng Hành chính-Nhân sự công ty cho biết doanh nghiệp đã, đang và sẽ chấp hành nghiêm ngặt quy định phòng chống dịch. Trong đó, chú trọng tới khu vực nhà ăn vì đây là nơi dịch bệnh dễ lây lan. Với quyết tâm không để dịch quay trở lại, công ty thắt chặt điều kiện phòng dịch, luôn ở trong trạng thái sẵn sàng ứng phó, không bị động với dịch bệnh.

Trong đợt dịch Covid-19, Công ty TNHH Kuroda Karaku Việt Nam không bị gián đoạn sản xuất 
Công ty TNHH Kuroda Karaku Việt Nam chủ động xây dựng phương án "3 tại chỗ" để bảo đảm sản xuất ổn định trong điều kiện dịch bệnh

Nói về phòng chống dịch trong doanh nghiệp để quyết tâm theo đuổi mục tiêu "kép" của tỉnh, đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh khẳng định Hải Dương đã lựa chọn giải pháp tối ưu nhất, quyết liệt nhất và phù hợp nhất để phòng dịch và dập dịch. Tỉnh tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp song cũng kiên quyết với những doanh nghiệp lơ là phòng chống dịch. Trong đợt dịch lần 3, có doanh nghiệp của tỉnh phải mất hàng tháng mới kiểm soát tình hình để hoạt động trở lại, còn ở lần 4, chỉ mất từ 3-5 ngày công nhân đã được đi làm trở lại. Có được kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, thống nhất của các cấp, ngành để bảo vệ và giữ vững "vùng xanh" cho doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 như "phép thử" để kiểm chứng khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp và các doanh nghiệp của tỉnh đã nỗ lực vươn lên để vững "tay chèo" trong đại dịch. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi nhưng dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường nên các doanh nghiệp không được phép chủ quan, lơ là mà phải luôn cảnh giác cao độ. Có như vậy mới có thể gặt hái được thành quả, đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong bão dịch.

NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Hải Dương vững "tay chèo" trong đại dịch