Lan tỏa sâu rộng

Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ năm 2011, khi ấy bình quân mỗi xã trong tỉnh mới đạt 6, 7 trong tổng số 19 tiêu chí, chỉ ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa, những tiêu chí đạt được mới chỉ là tiêu chí "mềm", không cần huy động nguồn lực lớn. Hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh là bài toán khó có lời giải của các xã trong thời điểm ấy. Khó khăn tạo áp lực nhưng cũng là động lực để mỗi địa phương tìm ra hướng đi phù hợp để hoàn thành các tiêu chí NTM.

Hiện trạng nông thôn Hải Dương trước khi xây dựng nông thôn mới

Dù trước mắt là khó khăn, thách thức, đặc biệt với những xã có tiềm lực hạn chế, song Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã thổi "làn gió" mới, làm thay đổi nhận thức, thôi thúc người dân nông thôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy người dân từ băn khoăn, do dự đến tin tưởng, ủng hộ phong trào. Xã Bạch Đằng (Kinh Môn) là ví dụ điển hình cho việc “lấy dân làm gốc”, “lấy sức dân để lo cho dân” để xây dựng thành công NTM.

Là địa phương thuần nông lại xa trung tâm nên ngay từ đầu xã Bạch Đằng không nằm trong “tầm ngắm” của thị xã Kinh Môn (khi ấy là huyện Kinh Môn) để lựa chọn làm điểm về xây dựng NTM. Thế nhưng, nhờ biết cách tạo nguồn lực mà xã đã vươn lên, trở thành "đầu tàu" trong phong trào NTM của thị xã và tỉnh. Khi những địa phương khác dồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thì xã Bạch Đằng lại quan tâm tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Vốn có lợi thế về trồng hành, tỏi trong vụ đông, địa phương đã thực hiện quy vùng tập trung cho hơn 300 ha, đưa giống mới vào sản xuất để nâng cao năng suất giá trị sản phẩm. Xã cũng xây dựng mô hình trồng thanh long với diện tích 80 ha theo hướng liên kết chuỗi cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy nông dân nơi đây thu về từ 400-600 triệu đồng/ha/năm chỉ từ đồng ruộng.

Xã Bạch Đằng (Kinh Môn) đã khai thác hiệu quả thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Kinh tế ổn định, người dân không tiếc công, tiếc của đóng góp để khoác lên “tấm áo mới” cho quê hương. Từ xây dựng NTM đến NTM nâng cao rồi NTM kiểu mẫu ở xã Bạch Đằng đều nhận được sự ủng hộ của người dân. Nhờ người dân mà phong trào đi lên và cũng từ kết quả của phong trào, nhất là về cơ sở hạ tầng đã tạo thêm điều kiện để người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết địa phương đã đi đúng hướng trong xây dựng NTM. Khi cuộc sống người dân đủ đầy, khấm khá, nhận ra lợi ích thiết thực của phong trào thì sẽ chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng NTM. Chính nhờ tự tạo nội lực nên địa phương không gặp nhiều trở ngại trong thực hiện các tiêu chí để bứt phá vươn lên tốp đầu.

Mặc dù xuất phát điểm còn thấp hơn cả trung bình của tỉnh khi chỉ đạt 6,17 tiêu chí/xã vào năm 2011 song Cẩm Giàng biết cách "thắp lửa” và "giữ lửa” phong trào để sớm về đích huyện NTM. Nguồn lực hạn hẹp, đời sống nhân dân thấp là rào cản lớn khiến nhiều địa phương trong huyện không tránh khỏi loay hoay khi thực hiện các tiêu chí NTM. Trong khi đó, thời gian đầu người dân vẫn còn thờ ơ, ít quan tâm vì chưa nhận thức được hết ý nghĩa của chương trình này, thậm chí còn cho NTM là điều xa vời. Trên cơ sở xác định thế mạnh và hạn chế, huyện Cẩm Giàng đã linh hoạt thực hiện các tiêu chí theo hướng dễ trước, khó sau và ưu tiên những tiêu chí phục vụ nhu cầu bức thiết của người dân. Ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng có vốn “mồi” dù không nhiều chỉ từ 300 triệu-1 tỷ đồng/xã tùy từng năm để vừa động viên, vừa tạo động lực cho các xã đăng ký về đích NTM. Để làm NTM bài bản, huyện chú trọng quy hoạch, tạo tiền đề giúp các địa phương chủ động định hướng phát triển, tránh lúng túng, bị động.

Huyện Cẩm Giàng ưu tiên thực hiện các tiêu chí đáp ứng nhu cầu sản xuất, dân sinh

Nhờ định hướng đúng, quyết tâm cao, Cẩm Giàng luôn là điểm sáng của cả tỉnh trong suốt quá trình xây dựng NTM. Vượt qua những khó khăn, lần lượt 17 xã trong huyện về đích NTM mà chỉ mất từ 3-7 năm triển khai. Ngay sau đó, huyện cũng hoàn thành 9 tiêu chí cấp huyện và được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2018, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. “Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện đã về đích trước hẹn. Phong trào đã tạo sự lan tỏa lớn giúp các địa phương càng thực hiện càng khí thế, khi vượt qua được kế hoạch đặt ra thì lại muốn hướng tới mục tiêu cao hơn”, ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng khẳng định.

10 năm qua, dù mỗi nơi đều có giải pháp, kế hoạch thực hiện phong trào riêng nhưng đều tựu chung lại ở tinh thần xây dựng NTM vì dân. Người dân vừa là lực lượng nòng cốt trong xây dựng, vừa là chủ thể thụ hưởng thành quả của phong trào. Chính bởi quan điểm này mà tỉnh đã khơi gợi được sức mạnh toàn dân, phát huy nguồn lực vật chất và tinh thần dồi dào thúc đẩy phong trào phát triển. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được gần 58.400 tỷ đồng xây dựng NTM. Nhân dân ngoài ủng hộ hơn 5.500 tỷ đồng đã hăng hái đóng góp hàng triệu ngày công lao động, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để tạo nên diện mạo mới cho quê hương. Từ cấp xã, đến huyện và giờ đây là tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Trong 10 năm, nhờ sự chung sức đồng lòng của các cấp uỷ, chính quyền và người dân mà hạ tầng nông thôn có những thay đổi đáng kể

Bức tranh tươi sáng

Bằng những cách làm sáng tạo, phù hợp tình hình thực tế của từng nơi, dần dần khái niệm NTM không còn mơ hồ mà đã trở nên gần gũi, thiết thực với người dân. Hình ảnh làng quê lạc hậu lùi vào quá khứ, thay vào đó là những vùng quê đáng sống, khang trang, đẹp đẽ. Chứng kiến những thay đổi của quê hương, ông Nguyễn Năng Xòa, ở thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ (Tứ Kỳ) không khỏi bồi hồi, xúc động. Bao năm người dân phải vất vả, vật chất túng thiếu, tinh thần nghèo nàn, vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, mọi thứ đã đổi thay. Con đường trục xã lởm chởm đất đá giờ đã trở thành đường đôi to đẹp. Ruộng chua trũng khiến người dân ngán ngẩm vì cấy lúa không hiệu quả cũng thành vùng nuôi thủy sản tập trung cho giá trị kinh tế cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được đầu tư đồng bộ, chất lượng sống nâng cao. "Nhìn làng quê đổi mới, bên cạnh hãnh diện, tự hào, chúng tôi thấy càng phải có trách nhiệm hơn để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh", ông Xòa bày tỏ.

Từ khi bắt đầu xây dựng NTM đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo 5.500 km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, thúc đẩy giao thương. Môi trường nông thôn được cải thiện dần. Toàn tỉnh có 835 bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh, gần 3.000 bể chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật và 15.000 hầm biogas với công suất xử lý hơn 255 tấn chất thải/ngày đêm.

Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn, tạo cảnh quan sạch đẹp

Kinh tế nông thôn cũng có nhiều đổi mới khi đồng ruộng được quy hoạch quy củ với hơn 54.000 ha đã dồn điền, đổi thửa và hệ thống thủy lợi chỉnh trang bài bản. Các vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung được hình thành với tổng diện tích hơn 30.000 ha. Sản xuất rau màu, trái cây an toàn, ứng dụng công nghệ cao được chú trọng nên giá trị được nâng cao, đạt trung bình 550 triệu đồng/ha/năm, có nơi giá trị này lên tới 3 tỷ đồng. Hải Dương cũng có 802 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2.000 ha thủy sản phát triển theo hướng công nghệ cao. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai là cú hích lớn để nâng tầm sản phẩm nông thôn. Đến nay, cả tỉnh đã có 128 sản phẩm được gắn sao. Nhờ vậy thu nhập của người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo tiêu chí đa chiều.

Kinh tế nông thôn có nhiều đổi mới

Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân. Toàn bộ hơn 700 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% số đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên địa bàn. 178 xã của tỉnh đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên

Chặng đường 10 xây dựng NTM của Hải Dương đã khép lại. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cột mốc đầu tiên trong hành trình dài để hướng tới sự hài lòng của người dân. Thành quả lớn lao song khó khăn vẫn còn nhiều khi các địa phương hướng tới những mục tiêu cao hơn. Vì thế, để không bằng lòng với chính mình, 12 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã có những tính toán dài hơi cho giai đoạn xây dựng NTM tiếp theo.

Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ cho biết: "Tứ Kỳ là huyện thuần nông nên việc xây dựng NTM gặp nhiều khó khăn. Song không vì thế mà địa phương trông chờ, ỷ nại mà vẫn quyết tâm vươn lên bằng nội lực. Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, trong bối cảnh đại dịch nhiều bất lợi, huyện vẫn cán đích NTM để góp phần vào thành tích chung, đưa tỉnh sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Từ kết quả đạt được và trên cơ sở đánh giá điều kiện thực tế, huyện đã có định hướng để thực hiện phong trào trong thời gian tới, quyết tâm giữ lửa phong trào".

Đánh giá về quá trình xây dựng NTM đã qua, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Hải Dương luôn xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị quan trọng, làm thay đổi toàn diện diện mạo nông nghiệp, nông thôn nên ngay từ đầu Hải Dương đã xây dựng lộ trình thực hiện gắn với các mục tiêu cụ thể trên cơ sở đánh giá tình hình của từng địa phương. Nhờ vậy mà xây dựng NTM từ cấp xã đến huyện của tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả.

Để có được kết quả này, bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy vai trò của người đứng đầu thì Hải Dương coi phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng NTM. Nhờ đó mà tỉnh phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân. Khi được nhân dân tin tưởng, đồng lòng thì mọi khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí, nhất là những tiêu chí cần huy động nguồn lực lớn đều được giải quyết.

Quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM của Hải Dương là chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc. Do vậy, dù hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nhưng tỉnh vẫn hướng đến những mục tiêu cao hơn để nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn. Hải Dương đã có mục tiêu cụ thể xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho từng năm, phát triển phong trào theo hướng hiệu quả, toàn diện, bền vững để phong trào trở thành chương trình phát triển nông thôn toàn diện, đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững ở các cấp.

Bài: NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG

Đồ họa: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay diện mạo nông thôn Hải Dương