cover-4.jpg

Không chỉ nổi tiếng là ngôi cổ tự lâu đời nhất nhì của Hải Dương mà chùa Động Ngọ ở thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) còn thu hút, hấp dẫn bởi những công trình kiến trúc độc đáo, tinh tế.

Từ chùa cổ…

Chùa Động Ngọ được biết đến với nhiều tên gọi. Tên cổ là Linh Ứng, tên thường gọi là Động Ngọ hoặc Đồng Ngọ và tên gắn với bảo vật tại chùa là Cửu Phẩm. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông (đại thừa). Tương truyền, thiền sư Khuông Việt, người có công lớn khi gắn kết Phật giáo với dân tộc đã khởi dựng chùa vào năm 971 theo chiếu lệnh của vua Đinh Tiên Hoàng.

Ngược dòng lịch sử, nơi đây từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trải qua hơn 1.000 năm với nhiều thăng trầm, biến động, chùa Động Ngọ hiện là một trong hai ngôi chùa cổ nhất trong tỉnh.

Chùa Động Ngọ có khuôn viên khoảng 1 ha với không gian thoáng đãng, mặt hướng ra trục đường chính đối diện với giếng làng, xa hơn là bờ đê sông Thái Bình. Việc lựa chọn vị trí phù hợp, đắc địa đã cho thấy vai trò, tầm quan trọng của chùa trong phục vụ đời sống tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của người dân. Cửa chính vào chùa xây kiểu gác chuông hai tầng, bốn mái chồng diêm. Bên trên có treo chuông cao 1,5 m, đúc năm Gia Long thứ 12 (1813).

Sau cổng là tòa thiền đường uy nghi, 5 gian, 2 chái. Nhà tam bảo rộng 4 gian, có 21 bức tượng thờ xếp thành các lớp uy nghiêm. Tiếp đến là tổ đường 3 gian, 4 mái tọa lạc trên nền đất cao, nhìn ra 2 cây đại có tuổi thọ khoảng 700 năm. Bên trái có bậc đi xuống sân rộng trước Trai phòng và Tịnh xá. Khu này xây trên nền thấp hơn, gồm hai nếp nhà rộng, xếp thành hình chữ nhị… Tất cả công trình đều được bố trí hài hòa, hợp lý.

img_6626.jpg
Chùa Động Ngọ
img_6588.jpg
có khuôn viên thoáng đãng
img_6599.jpg
là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa
img_6575.jpg
mang đậm dấu ấn theo hệ Bắc Tông

Theo dòng chữ khắc trên nóc chùa: “Thái Bình nhị niên thừa Khuông Việt chỉ truyền hạ chiếu tạo tự. Đại Chính nguyên niên sắc tỷ kỳ ly tự Đào Chu trụ trì” thì người xây dựng chùa là thiền sư Khuông Việt, còn nhà sư Đào Chu trụ trì tại đây đã có công trùng tu vào năm 1530. Ngôi chùa còn nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Tại chùa còn nhiều chân tảng, ngói mũi hài cỡ lớn là dấu tích thời Lý, Trần.

img_6577-1-.jpg

Ngôi chùa còn nhiều lần được trùng tu qua các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Tại chùa còn nhiều chân tảng, ngói mũi hài cỡ lớn là dấu tích thời Lý, Trần.

Với những mái vòm cổ

mang đậm nét đặc trưng kiến trúc từ thời Lý, Trần

img_6586.jpg
img_6578(1).jpg
img_6575-1-.jpg

Ngày trước chùa có quy mô lớn, bây giờ nhỏ hơn nhưng bố cục vuông vắn. Theo thời gian, nhiều công trình tại chùa bị chiến tranh tàn phá, một số bị phong hóa hư hỏng. Sau ngày đất nước thống nhất, chùa đã được trùng tu xây dựng nhiều hạng mục mới như chính điện, tam quan, gác chuông, thượng điện, nhà tổ, Cửu phẩm Liên hoa, điện Thánh Mẫu...

Cùng với lịch sử lâu đời, chùa Động Ngọ còn được biết đến là nơi lưu giữ tuyệt tác kiến trúc đặc sắc, tinh hoa nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ truyền trong các công trình Phật giáo là Cửu phẩm Liên hoa đã hơn 330 năm tuổi. Tòa cửu phẩm do hòa thượng Chân Nguyên tạo dựng năm Chính Hòa thứ 13 (1692). Để xây dựng tòa cửu phẩm này, ông đã đi khắp nơi tìm thợ, trong đó có cả những nghệ nhân tên tuổi từ Kinh đô. Công trình được khởi công xây dựng năm 1688, đến năm 1692 mới hoàn thành.

Cửu phẩm Liên hoa không chỉ có ý nghĩa quảng bá tinh thần bác ái của Phật giáo mà còn thể hiện sự phát triển của dòng thiền Trúc Lâm. Các chùa xây dựng tháp Cửu phẩm Liên hoa là những trung tâm Phật giáo hoặc gắn liền với các vị thiền sư danh tiếng.

Nhờ đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của Phật giáo cũng như lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa qua các thời kỳ mà chùa Động Ngọ được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1974. Thượng tọa Thích Thanh Thắng, trụ trì chùa Động Ngọ tự hào nói: “Chùa Động Ngọ là biểu tượng cho giá trị trường tồn của Phật pháp, là biểu trưng công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo, tinh tế”.

trich-1.jpg

... đến điểm du lịch

Cửu phẩm Liên hoa là điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn các Phật tử, du khách tìm tới tham quan, chiêm bái chùa Động Ngọ. Tòa cửu phẩm này được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016 và hiện cả nước chỉ còn 3 tòa cửu phẩm có niên đại từ thế kỷ XVII-XVIII, trong đó có tòa cửu phẩm ở chùa Động Ngọ.

Có quan niệm cho rằng Cửu phẩm Liên hoa là một cái cối kinh dùng để xay ra lúa gạo, xoay càng nhiều thì càng mang lại điều tốt lành và của cải. Theo tấm bia "Kiến khai Cửu phẩm liên hoa bi ký" (1692) lưu giữ ở chùa thì cửu phẩm cao trên 5m, mặt cắt 6 cạnh đều, 9 tầng tượng trưng cho 9 bông hoa sen xếp chồng lên nhau. Mỗi mặt gắn 3 pho tượng Phật, ở giữa là Phật A Di Đà, hai bên là tượng Quan Âm Bồ Tát và Thế Chí Bồ Tát, cũng có cạnh là tượng Phật A Di Đà và Văn Thù, Phổ Hiển Bồ Tát. Tổng số có 163 pho tượng. Các tượng có kích cỡ bằng bắp tay, được tạo tác bằng gỗ, thếp vàng rất tinh xảo.

Nhìn tổng thể, tòa cửu phẩm là một kiến trúc đặc sắc về thế giới Phật pháp vô biên, huyền diệu, tầng tầng lớp lớp. Ngày trước truyền lại, tòa cửu phẩm có thể quay tròn quanh trục. Theo thời gian, đến nay tòa cửu phẩm không còn quay được nữa. Trong 163 pho tượng cổ trên tòa cửu phẩm đã bị kẻ gian lấy mất 60 pho.

dsc_1127_abc(1).jpg
Công trình là biểu tượng kiến trúc độc đáo của đạo Phật
img_6548.jpg
có ý nghĩa giáo dục sâu sắc
img_6546.jpg
về những giá trị tốt đẹp của Phật giáo

Không chỉ lưu giữ hiện vật có giá trị về tâm linh, chùa Động Ngọ còn là địa chỉ cất giữ bảo tàng đồ đá đồ sộ. Đây là thành quả cho hơn 30 năm nỗ lực tìm kiếm, dày công sưu tầm của Thượng tọa Thích Thanh Thắng. Hiện ở chùa có hàng nghìn nông cụ, đồ vật bằng đá như trục đá, trụ đá, cối đá, bia đá, phiến đá, chó đá... Ngoài cất công lặn lội khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc để tìm kiếm, vận chuyển đồ đá về tập kết tại chùa thì tâm huyết của sư thầy còn được thể hiện qua sự bố trí, sắp xếp các đồ đá tinh tế, bài bản.

Trục đá dùng để tạo thành giếng nước, làm bờ tường. Cối đá làm chậu cây, phiến đá được xếp cẩn thận theo hàng, theo lối với đủ kích cỡ, trọng lượng. Đặc biệt trong khuôn viên chùa còn có hình bản đồ Việt Nam dài 30 m, rộng 10 m được xếp từ 300 cối đá. Nhờ vậy mà những đồ đá vô tri, không còn hữu dụng trong cuộc sống hiện tại cũng trở nên có hồn cốt, góp phần tạo dựng không gian yên bình, mang đậm hơi thở của làng quê Bắc Bộ.

Bộ sưu tập đồ đá độc nhất vô nhị tại chùa Động Ngọ luôn thu hút ánh nhìn của du khách thập phương. Bên cạnh đó, đây cũng là giáo án sống động để truyền dạy cho thế hệ trẻ về lịch sử, văn hóa và tinh hoa dân tộc. Cô Trần Thị Tú, giáo viên Trường Tiểu học Tiền Tiến cho hay học sinh trong trường rất thích thú với những tiết học thực tế tại chùa Động Ngọ.

img_6531.jpg
Bảo tàng đồ đá độc đáo tại chùa Động Ngọ
img_6540.jpg
và 2 cây đại khoảng 700 năm tuổi
img_6549.jpg
tạo sự thích thú cho người dân khi tới tham quan, chiêm bái
img_6566.jpg
và tìm hiểu các hoạt động
img_6571.jpg
diễn ra tại chùa

Tại đây, học sinh được tìm hiểu, trải nghiệm, mắt thấy tai nghe những giá trị vật chất, tinh thần của đạo Phật, văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ trước. Cô và trò cùng nhìn về quá khứ để trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai. Cô Tú nói: “Những tiết học thực tế tại chùa Động Ngọ rất hữu ích, thiết thực, giúp học sinh trân trọng giá trị lịch sử, văn hóa”.

trich-2_2.jpg

Chùa Động Ngọ cuốn hút du khách bằng chính những điều giản đơn, bình dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị, triết lý sâu xa. Đến vãn cảnh chùa, du khách không những tìm được cảm giác bình yên, thanh thản mà còn thêm trân quý giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Bà Vũ Thị Ngãi, người trông nom nhiều năm ở chùa cho hay những năm gần đây chùa Động Ngọ thu hút nhiều người tới tham quan, chiêm bái. Người này tới lại truyền tai người kia về những nét độc đáo, đặc sắc tại chùa.

Vừa qua, cùng với miếu, đình Cập Nhất, chùa được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Bà Ngãi nói: "Trở thành điểm du lịch, chùa Động Ngọ sẽ lan tỏa được giá trị tâm linh, lịch sử, văn hóa lâu đời. Song chùa vẫn cần được đầu tư, tôn tạo để gìn giữ, phát huy những điều vốn quý”.

trich-3.jpg

Để những giá trị tâm linh, lịch sử, văn hóa tại chùa tiếp tục được lưu giữ, phát huy, xứng tầm là một trong những điểm du lịch đặc sắc của tỉnh, chùa cần được quan tâm đầu tư, tôn tạo hơn nữa.

Để đến với chùa Đồng Ngọ, du khách có thể tham khảo hướng dẫn hoặc quét mã QR dưới đây:

googlemap_2.jpg

Nội dung:  NGUYỄN MƠ

Đồ họa: HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khám phá chùa Động Ngọ