Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng nói, trong cả hai lần tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và quốc dân đồng bào ông đều khẳng định quan điểm “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thực hiện rất nghiêm túc lời hứa này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 2 theo phương thức trực tuyến kết hợp với họp tập trung tại Nhà Quốc hội và chia thành 2 đợt: đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20 - 30.10, đợt 2 họp tập trung từ ngày 8-13.11. Như vậy, Quốc hội sẽ làm việc trong 17 ngày, trong đó, dự phòng cả phương án họp trực tuyến cả kỳ nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo chương trình, Chính phủ chuẩn bị hơn 50 báo cáo, tờ trình, đề án, dự án trình Quốc hội, trong đó có 7 dự án luật, 16 tờ trình, báo cáo trình bày tại hội trường và hàng chục báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu. Đến nay, các tài liệu, báo cáo, tờ trình của Chính phủ phục vụ Kỳ họp thứ 2 đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định.

Chính phủ chuẩn bị hơn 50 báo cáo, tờ trình, đề án, dự án trình Quốc hội. Ảnh Quốc hội

Quốc hội cũng xem xét nhiều báo cáo quan trọng, như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng chống dịch Covid-19; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 (trong đó có việc lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo về: công tác phòng chống tham nhũng, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị và kết quả giám sát việc giải quyết... cũng được trình Quốc hội. Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025); kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Quốc hội dự kiến làm việc liên tục cả ngày thứ bảy và chủ nhật, với phương châm tiết kiệm triệt để thời gian, sẵn sàng làm ngoài giờ, làm thêm vào buổi tối để rút ngắn thời gian họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của cử tri cả nước trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế. 

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ, ông cảm nhận được hoạt động tích cực của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban và đại biểu. Điều này thể hiện sự thống nhất giữa thông điệp với hành động của Quốc hội. Phương thức, cách thức hoạt động, hành động của Quốc hội năng động, chủ động, sâu sát hơn và toàn diện đối với các vấn đề quan trọng của đất nước - đúng như thông điệp của Chủ tịch Quốc hội luôn nhấn mạnh là chủ động và chuẩn bị từ sớm, từ xa. Theo chủ trương của Quốc hội, sắp tới, ngoài 2 kỳ họp thường kỳ của Quốc hội, sẽ có thêm những phiên họp chuyên đề tùy theo tình hình. Đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ, thể hiện sự năng động, chủ động, quyết liệt, nói đi đôi với hành động của Quốc hội trong bối cảnh mới.

Quốc hội cũng xem xét nhiều báo cáo quan trọng, như đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Ảnh TTXVN

Cải cách, hoàn thiện thể chế không chỉ là một trong ba đột phá chiến lược được khẳng định tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đây chính là “đột phá của đột phá”. Thể chế pháp lý minh bạch, hiệu quả không chỉ khơi thông những “điểm nghẽn” mà còn thúc đẩy mọi nguồn lực phát triển đất nước. Điều đó cũng đòi hỏi công tác lập pháp bám sát yêu cầu được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, có tuổi thọ cao, bảo đảm khả thi đi vào cuộc sống.

Chính vì vậy, ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội khoá XV, lãnh đạo Quốc hội nhiều lần thể hiện quyết tâm phấn đấu để đạt được những yêu cầu rất cao đó với các dự án luật, và muốn đạt được phải có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên tinh thần ưu tiên cao nhất cho chất lượng mà không chạy theo số lượng, bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao khi trình Quốc hội để sau khi được ban hành các luật này sẽ tạo ra được hành lang pháp lý và chính sách đột phá với tầm nhìn dài hạn, thúc đẩy phát triển ở các lĩnh vực luật điều chỉnh.

Sau Kỳ họp thứ nhất, nếu như nhiệm kỳ mới dành phần lớn thời gian kiện toàn công tác nhân sự cấp cao của Nhà nước, thì tại Kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội sẽ tập trung cho công tác xây dựng pháp luật. Qua 3 phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với các dự án luật mà theo kết luận là “nhiều ý kiến rất có giá trị, chất lượng các dự án luật cũng rất tốt và báo cáo thẩm tra cũng rất sắc sảo”.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ tập trung cho công tác xây dựng pháp luật. Ảnh: baochinhphu.vn

Đại biểu Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, công tác chuẩn bị phải được tiến hành “từ sớm, từ xa, ưu tiên chất lượng” là cần thiết để bảo đảm Quốc hội thực hiện tốt chức năng lập pháp và cũng là đòi hỏi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, chất lượng của thể chế ảnh hưởng rất lớn đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội; thể chế không tốt là rào cản phát triển và ngược lại thể chế tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển và ổn định xã hội. Đặc biệt, năm đầu của nhiệm kỳ Quốc hội lần này lại là năm bản lề quan trọng trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2020-2030 với trụ cột quan trọng là nâng cao chất lượng thể chế mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định rõ.

“Xây dựng thể chế tốt sẽ tạo nền tảng cho cả giai đoạn phát triển mới, do đó không thể chậm trễ nâng cao chất lượng thể chế, thể chế phải đi trước để tạo nền tảng cho sự phát triển”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh và cho rằng nhiều hoạt động gần đây thể hiện rõ quyết tâm này.

Nhiệm kỳ Quốc hội lần này đã chú trọng đến phát huy chất lượng chuyên môn của đại biểu trong hoạt động của Quốc hội. Ngoài Quốc hội thì Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban của Quốc hội đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động tham vấn chuyên sâu các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng có liên quan để bổ sung ý kiến cả về mặt khoa học, xã hội nhằm nâng cao chất lượng hoạt động. Việc tham vấn đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, như: các cuộc tọa đàm về kinh tế định kỳ, tiến tới tổ chức các diễn đàn kinh tế lớn hơn để có thể tham vấn rộng rãi, huy động nguồn lực trí tuệ cả trong và ngoài nước. Quốc hội nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng thể chế và đã hành động quyết liệt.

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động toàn diện tới mọi mặt đời sống xã hội nên Quốc hội cũng chủ động đổi mới, thay đổi phương thức hoạt động để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Không chỉ tiến hành họp trực tuyến kết hợp tập trung, dự phòng mọi tình huống, mà tại Kỳ họp thứ 2 này, Quốc hội tiếp tục xem xét áp dụng một số cải tiến quan trọng như biểu quyết trực tuyến, thảo luận tổ... trên tinh thần thích ứng, linh hoạt.

Quốc hội cũng có những quyết định chưa có tiền lệ như trao một số quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới. Điều đó thể hiện sự đồng hành với cơ quan chấp hành của Quốc hội, kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, nhận được sự đánh giá cao của các cấp, các ngành, cử tri cả nước và dư luận trong Liên minh nghị viện các nước ASEAN.

Còn nhớ, 9 ngày sau khi Nghị quyết số 30 của Quốc hội được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp đột xuất, ban hành Nghị quyết số 268 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Cùng ngày, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86 trên cơ sở được thực hiện 4 quy định khác luật, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cấp bách, mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch.

Ảnh 1: Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV quyên góp ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 (Ảnh TTXVN). Ảnh 2: Chủ tịch Quốc hội phát biểu về ứng phó Covid-19 và biến đổi khí hậu tại Áo (Ảnh Quốc hội). Ảnh 3: Thủ tướng thị sát tình hình chống dịch tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh CAND)

Qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, có thể khẳng định những quyết sách đó bảo đảm nhanh, chính xác, có tính thực tiễn cao. Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, tập trung rà soát, hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành các nghị quyết, chính sách quan trọng để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như miễn, giảm thuế trị giá khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng; cho phép chuyển 14,62 nghìn tỷ đồng từ cắt giảm, tiết kiệm chi vào dự phòng ngân sách trung ương để ưu tiên sử dụng cho phòng chống dịch...

Đặc biệt, Đảng đoàn Quốc hội đã phân công các lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội tham gia Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập Tổ công tác đôn đốc việc giám sát và xử lý những vấn đề cấp bách trong thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, mà như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Quốc hội đã ủy quyền thì những nơi được trao quyền càng phải thấy trách nhiệm để sử dụng các quyền này một cách hiệu quả nhất”.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2, theo đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức, Quốc hội cũng rất quyết tâm, quyết liệt trong triển khai các chương trình, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục xác định các nội dung thiết thực đồng hành với Chính phủ và nhân dân cả nước từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội. “Khi chúng ta triển khai đồng bộ, kịp thời, với sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị sẽ tạo niềm tin vững chắc; người dân, doanh nghiệp cũng mạnh dạn, tin tưởng hơn vào các quyết định của mình”, ông nói.

Ngoại giao vaccine qua kênh Quốc hội cũng thể hiện rõ qua chuyến đi của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo; thăm làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ; thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5-11.9.

Giám sát là một trong những chức năng cơ bản và quan trọng của Quốc hội. Trong nhiều năm qua, hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường và đổi mới, tập trung vào những vấn đề lớn quan trọng của đất nước, những bất cập, bức xúc của cuộc sống. Chính vì vậy, ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phải coi đổi mới giám sát tối cao của Quốc hội như là một khâu then chốt, trọng tâm để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; phải lựa chọn trúng và đúng những vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, chức năng giám sát có rất nhiều ý nghĩa và bổ sung cho các chức năng của Quốc hội, bởi hoạt động này không đơn thuần giám sát, phát hiện những bất cập để từ đó có giải pháp xử lý, nếu thực hiện chủ động, từ sớm, từ xa thì còn có tác dụng phòng ngừa. Việc tăng cường sự tham vấn cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề để giúp việc xây dựng và thực hiện chương trình giám sát sát hơn; tăng cường phản biện chính sách mạnh mẽ của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội là đóng góp vào việc thực hiện chức năng giám sát chủ động, tích cực và nâng cao tính giám sát phòng ngừa.

Quốc hội đã thực hiện mạnh và hiệu quả hoạt động phản biện và sát cánh cùng với Chính phủ trong xây dựng chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và nhiều vấn đề khác. Ảnh TTXVN

“Tôi nhận thấy ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã thực hiện mạnh và hiệu quả hoạt động phản biện và sát cánh cùng với Chính phủ trong xây dựng chính sách, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và nhiều vấn đề khác nữa. Tôi mong muốn mỗi đại biểu Quốc hội có thể phát huy mạnh mẽ vai trò phản biện chính sách”, ông Phan Đức Hiếu bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh yếu tố minh bạch, công khai trong bối cảnh hiện nay thực sự rất quan trọng đối với mọi cơ quan Nhà nước.

Về việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri, kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu báo cáo và xem xét hằng tháng. Các cơ quan được yêu cầu rà soát kỹ hơn, sát sao, đeo bám hơn trong giải quyết cũng như giám sát việc thực hiện.

Với những gì đã chuẩn bị, đại biểu Quốc hội tin tưởng tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội sẽ thông qua những quyết sách quan trọng với chất lượng cao, thể hiện sự chủ động, từ sớm, từ xa trong hoạt động của Quốc hội. Và như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Người dân, doanh nghiệp đang rất trông chờ vào các quyết sách của Quốc hội!./.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng quyết sách đột phá