Với những giá trị nổi bật toàn cầu, Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai cùng các di tích trong Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) đang trên hành trình trở thành di sản thế giới.

Những giá trị to lớn

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử gồm bốn cụm di tích: khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Hải Dương); khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử; khu di tích lịch sử nhà Trần (cùng ở Quảng Ninh); khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang). Đây là quần thể di tích đầu tiên của Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản thế giới có phạm vi ở 3 tỉnh, diện tích lớn, khoảng 60.000 ha với trên 60 điểm di tích.

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh)
Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang)

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử so với các di tích đã được công nhận là di sản thế giới của Việt Nam có những lợi thế nhất định: phong phú về loại hình, có tiềm năng nghiên cứu (nhất là tiềm năng di tích khảo cổ) và mang nhiều giá trị nổi bật. Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, những di tích này phản ánh, truyền tải nhiều tư tưởng, câu chuyện đặc sắc của Việt Nam, mang ý nghĩa nổi bật toàn cầu nhưng đặc biệt chỉ riêng có ở đây. Ví dụ tư tưởng ở đời vui đạo hãy tùy duyên của Trần Nhân Tông khi sáng tạo ra Thiền phái Trúc Lâm; tư tưởng về khoan thư sức dân làm thượng sách giữ nước của Trần Hưng Đạo... "Ở đó, ta thấy sự hòa hợp tư tưởng của thế giới nhưng vẫn mang bản sắc của Việt Nam. Đó là những thông điệp vừa mang tính thời sự vừa có ý nghĩa đặc biệt để kể với thế giới về con người, đất nước Việt Nam", PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết.

Trong Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (Hải Dương) là di tích trọng điểm, có vị trí quan trọng.

Giáo sư Hae Un Rii, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ICOMOS Hàn Quốc, đại diện Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) của UNESCO đánh giá: Hầu hết các di tích của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đều liên quan đến Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Các di tích phân bố rộng trên phạm vi tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, tạo thành một không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng. Trong đó, di tích Côn Sơn và Thanh Mai của Hải Dương là nơi đã ghi dấu ấn cuộc đời hành đạo của Trúc Lâm tam tổ và công đức của các vị tổ như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang trong việc xây dựng tôn tạo di tích và hoằng dương đạo pháp, là nơi viên tịch của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa (chùa Thanh Mai) và Đệ Tam Tổ Huyền Quang (chùa Côn Sơn).

Giáo sư Hae Un Rii (giữa), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ICOMOS Hàn Quốc, đại diện Hội đồng Quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS) của UNESCO trong lần về khảo sát tại Côn Sơn - Kiếp Bạc (tư liệu năm 2015)

Còn khu di tích Kiếp Bạc là trung tâm của thái ấp, đại bản doanh Vạn Kiếp; nơi ghi dấu đậm nét cuộc đời và sự nghiệp của Trần Quốc Tuấn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (thế kỷ XIII). Trong tín ngưỡng dân gian, Hưng Đạo Vương được nhân dân tôn là Đức Thánh Trần, Ngọc Hoàng phong làm Cửu Thiên Vũ Đế có nhiệm vụ trừ yêu ma, giặc giã ở ba cõi. Học giả Maurice Durand, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam học của Pháp từng cho rằng: Trần Hưng Đạo được mệnh danh là vị thần bảo hộ hòa bình, đặc biệt là bảo hộ phụ nữ. Ở thế kỷ XIV, đó là một tư tưởng tiến bộ, nhân văn, đi trước thời đại.

Tại khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai của Hải Dương, quá trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ các chuyên gia đã tìm thấy những dấu tích, hiện vật… có giá trị lớn trong việc bổ sung tư liệu cho hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. 

Nỗ lực ghi danh

Thời gian qua, 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác phối hợp, triển khai các bước xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Về phía Hải Dương, từ năm 2020, tỉnh ta đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang xúc tiến xây dựng hồ sơ với các hoạt động như: Tham gia thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng hồ sơ; xây dựng kế hoạch, đề cương nhiệm vụ; hoàn thiện Báo cáo tóm tắt Hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới; phối hợp với các tổ chức khoa học trung ương khảo sát, nghiên cứu tư liệu về giá trị lịch sử, văn hoá tại các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương đóng góp cho xây dựng hồ sơ chung của 3 tỉnh. Ngày 5.2.2021, UNESCO đã có văn bản số CLT/WHC/NOM/21/12 xác nhận việc đưa hồ sơ đã chính thức được Website của Trung tâm Di sản Thế giới đăng tải vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới tại địa chỉ http://whc.unesco.org/en/tentativelists/6508

Theo Kế hoạch, năm 2022 sẽ là năm gấp rút thực hiện tiến độ hoàn thiện hồ sơ với các mốc thời gian quan trọng: đề cử trình UNESCO thẩm định trước ngày 30.9.2022, chính thức trình lên UNESCO Paris trước ngày 1.2.2023.

Do vậy, năm 2022, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang, các tổ chức khoa học có liên quan tiếp tục thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu tư liệu về giá trị lịch sử, văn hoá tại các di tích trên địa bàn tỉnh Hải Dương để bổ sung cho hồ sơ khoa học theo đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, phía Hải Dương đã đề xuất sửa đổi, bổ sung tên Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) thành Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc cho phù hợp với vị trí địa lý, tên gọi theo địa danh của hồ sơ.

Hội nghị tham vấn sơ bộ xác định giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) ngày 13.4 tại Quảng Ninh

Nếu trở thành di sản thế giới, tầm vóc, giá trị của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và Thanh Mai được nâng lên tầm cao mới, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Từ đó, tác động tích cực tới kinh tế xã hội, mở ra nhiều cơ hội giao lưu, hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch của TP Chí Linh nói riêng, của tỉnh nói chung. Bên cạnh đó, công tác quản lý bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị di tích cũng được nâng lên để phù hợp và đáp ứng yêu cầu đối với một di sản thế giới.

Tuy nhiên, trước mắt còn rất nhiều khó khăn. Do tác động của thời gian, khí hậu, chiến tranh... các di tích bị hủy hoại hoặc thay đổi về thiết kế, vật liệu, hình dáng... Trong khi đó, yêu cầu cơ bản của một di sản thế giới phải bảo đảm tính nguyên gốc, toàn vẹn. Việc nghiên cứu, bảo vệ, phát huy, làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của UNESCO là một bài toán khó.

Bài: TS LÊ DUY MẠNH - LÊ HƯƠNG - THÀNH CHUNG

Đồ họa: TUẤN ANH

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực ghi danh di sản thế giới