Giữ hồn xưa

Người khởi lập thương hiệu bánh đậu xanh (BĐX) Bảo Hiên lâu đời, nổi tiếng và là cái nôi nuôi dưỡng nhiều thợ bánh giỏi của Hải Dương là cụ Trần Thị Nhung (1887-1965). Gia đình vốn có nghề làm bánh ở Hải Phòng nên ngay từ nhỏ cụ Nhung đã bộc lộ năng khiếu với công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chỉn chu này. Thế nhưng, vào những năm đầu của thế kỷ XIX, khi các xưởng bánh chạy theo xu thế làm các loại bánh quy, bánh ngọt thì cụ Nhung vẫn say sưa với bánh truyền thống. Sau khi lấy chồng, chuyển về TP Hải Dương sinh sống, cụ chuyên tâm tìm tòi để làm ra thứ bánh từ đậu xanh. Năm 1922, BĐX mang tên Bảo Hiên được bày bán, đánh dấu mốc đầu tiên cho sự ra đời và phát triển của thương hiệu này nói riêng và nghề làm BĐX của Hải Dương nói chung.

Chỉ làm từ nguyên liệu đơn giản, đậm chất hương đồng gió nội là đậu xanh, đường kính trắng, mỡ lợn nhưng với hương vị đậm đà, BĐX rất được lòng thực khách. Vị ngọt của đường quện với bột đậu xanh thêm chút mỡ béo ngậy đã tạo ra món bánh bình dị mà bắt miệng. Những năm 30, 40 thế kỷ XIX, xưởng BĐX Bảo Hiên có cả trăm người làm việc ngày đêm mà vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người mua. BĐX Bảo Hiên cũng chính là thứ bánh dâng lên vua Bảo Đại (1913-1997) khi kinh lý qua trấn Hải Dương và được vua ban sắc khen có in hình “Rồng vàng”, một biểu tượng uy quyền của nhà vua.

Hương vị truyền thống của bánh đậu xanh Bảo Hiên vẫn được nhiều khách hàng mến mộ

BĐX Bảo Hiên đã truyền qua 4 đời, thế hệ kế tiếp vẫn muốn giữ hương vị cũ dù thị hiếu có nhiều thay đổi. Ông Vũ Ngọc Chân, 75 tuổi là đời kế thừa thứ 3 của BĐX Bảo Hiên ví: "Làng BĐX hiện nay như vườn hoa đầy màu sắc thì Bảo Hiên là bông hoa không rực rỡ nhưng lại ngát hương. Bao năm qua, nghề truyền thống của gia đình có lúc thăng, lúc trầm nên mong mỏi lớn nhất của lớp kế tục là giữ gìn hồn cốt xưa. Vì thế, chúng tôi không làm thương mại, không đặt đại lý mà chỉ duy trì để giữ nghề, coi bí quyết gia truyền còn quý hơn vàng".

Cũng chính vì tâm niệm của các thế hệ làm BĐX Bảo Hiên mà bao năm qua, bánh của thương hiệu này vẫn giữ nguyên hương vị ban đầu. Khách tìm và mua BĐX Bảo Hiên đều là những người muốn cảm nhận vị bánh cổ truyền. Ông Bì Văn Bình ở phường Ngọc Châu là khách "ruột" của BĐX Bảo Hiên cho biết ông rất mến mộ loại bánh này, vị xưa cũ nhưng ăn một lần thì nhớ mãi. Bạn bè nơi xa cũng hay nhờ ông mua BĐX của thương hiệu BĐX Bảo Hiên để thương thức và cảm nhận hương vị thuở ban đầu của loại bánh đặc sản này.

Thêm nét mới

Tròn một thế kỷ đi qua, từ xưởng BĐX Bảo Hiên, nhiều thợ vững tay nghề đứng ra mở cơ sở mới và tạo dựng thương hiệu riêng. Cứ thế, nối tiếp nhau để từ một vài cơ sở nhỏ phát triển lên thành những xưởng lớn và dần dần BĐX trở thành nét đặc trưng của Hải Dương. Ngoài công thức chung thì mỗi đơn vị đều có bí quyết riêng để tạo dấu ấn, giữ chân khách hàng. Dần dần BĐX của tỉnh thành thứ quà tặng thông dụng nhưng ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng của người tặng với người nhận quà. Hơn nữa, đây cũng là sản vật được nhiều người lựa chọn để dâng lên tổ tiên. Chính sự mộc mạc, đơn giản mà tinh tế đã giúp BĐX Hải Dương có được thiện cảm của khách hàng. Có lẽ BĐX là nghề truyền thống mà phát triển nhất của Hải Dương đến hiện tại. Nhiều nơi cũng làm BĐX nhưng không nổi tiếng được bằng Hải Dương. Đây là thành quả cho sự kiên trì, nỗ lực, luôn tìm tòi, sáng tạo để có sản phẩm tốt nhất tới tay người dùng. BĐX Hải Dương đã được công nhận là đặc sản quà tặng Việt Nam và vinh dự đứng trong danh sách đặc sản quà tặng Châu Á.

Sản xuất bánh đậu xanh tại một số doanh nghiệp

Khởi nghiệp bằng nghề làm BĐX từ năm 1995, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo đã tạo được tiếng tăm trong nghề sau gần 30 năm gắn bó. Vì tay ngang lại đi sau nên ông Giang luôn học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ lớp đi trước rồi tìm ra cách làm riêng. Ông nhận thấy mỡ lợn làm bánh đậu béo ngậy hơn nhưng nếu xử lý không chuẩn sẽ làm mất đi vị bánh. Trong khi đó, nhiều người cũng kiêng mỡ lợn vì lý do sức khỏe. Năm 1999, ông Giang bắt đầu nghiên cứu làm BĐX bằng dầu thực vật mà vẫn bảo đảm độ thơm ngon. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại thì ông cũng có được công thức làm bánh từ dầu hiệu quả và được cấp bằng sáng chế. Ông Giang cũng là người đầu tiên tìm giải pháp để tăng thời gian sử dụng của bánh, tạo thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán. Ngoài BĐX truyền thống, ông Giang còn cho ra mắt những sản phẩm mang nhiều hương vị như hạt sen, trà xanh, cốt dừa..., để khách hàng có thêm nhiều lựa chọn phù hợp sở thích. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng BĐX phục vụ cho lễ hội, thờ cúng, ông đã đổi mới mẫu mã, thay hộp giấy bằng vỏ có hình chĩnh vàng, hoa sen, cây tài lộc...

Giám đốc Công ty TNHH Gia Bảo Nguyễn Đình Giang luôn tự học hỏi tìm cách làm riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm
Một sản phẩm bánh đậu xanh của Công ty TNHH Gia Bảo

Nhờ nhạy bén, sáng tạo mà ngoài thành công riêng từ thương hiệu BĐX Gia Bảo, ông Giang còn góp phần đưa thương hiệu BĐX Hải Dương nức tiếng gần xa. Dẫu vậy, với nghề cổ truyền này, ông vẫn còn nhiều nỗi niềm. "Nghề làm BĐX còn trụ vững đến giờ là nhờ tâm huyết của những người làm nghề. Nhiều hộ sản xuất BĐX nhỏ lẻ đã phát triển thành doanh nghiệp mạnh. BĐX không chỉ là sản phẩm làng nghề mà còn là tinh hoa ẩm thực của tỉnh. Vì vậy, để sản phẩm đặc sản vươn xa hơn nữa, cần phải có định hướng đúng đắn và quan tâm đầu tư đúng mức".

Vươn ra thế giới

Từ lâu, BĐX đã được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc vì hợp thị hiếu. Đây là thị trường lớn, dễ tính nhưng bấp bênh khiến việc kinh doanh gặp rủi ro. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn tiếp cận thị trường mới như Mỹ, Nhật Bản, Australia... để tìm cơ hội đưa đặc sản cổ truyền vươn tầm thế giới.

Công ty CP Thương mại Rồng vàng Minh Ngọc là doanh nghiệp đầu tiên của Hải Dương đưa BĐX sang Nhật Bản. Để chinh phục được thị trường khó tính bậc nhất này, doanh nghiệp đã phải khảo sát, nghiên cứu, thay đổi công thức làm bánh cho phù hợp. Mặt khác, phía đối tác yêu cầu điều kiện sản xuất để bảo đảm chất lượng bánh rất khắt khe, nghiêm ngặt. Vì đáp ứng được những đòi hỏi từ phía Nhật, mà năm 2020, doanh nghiệp đã có được cái gật đầu, chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Ngoài Nhật Bản, công ty cũng đã ký kết hợp tác để đưa BĐX sang Mỹ.

Công ty CP Thương mại Rồng vàng Minh Ngọc là doanh nghiệp đầu tiên của Hải Dương đưa bánh đậu xanh sang Nhật Bản

Hiện mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu 35 tấn sang Mỹ, và Nhật Bản. Theo ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Công ty, BĐX có thể xuất khẩu sang thị trường khó tính là tín hiệu tích cực, mở đầu cho sự phát triển mới của đặc sản Hải Dương. Để có thể xuất khẩu thành công bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, chú trọng tới mẫu mã, chất lượng. Nếu tận dụng được cơ hội này thì đặc sản của tỉnh sẽ được nâng tầm. "Đối tác Nhật Bản đã ký kết hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất BĐX độc quyền với chúng tôi. Đây là thành quả cho những nỗ lực của doanh nghiệp sau 2 năm hợp tác hiệu quả", ông Hùng thông tin.

BĐX Hải Dương đã có lịch sử trăm năm và đến nay vẫn khẳng định được vị thế trong thị trường quà biếu tặng. Trong xã hội hiện đại, thức quà cổ truyền dân dã mà đậm đà này vẫn chiếm được cảm tình của thực khách. BĐX Hải Dương đang đứng trước nhiều cơ hội, nếu nắm bắt được thì sẽ chắp cánh, mang theo những giá trị văn hóa, ẩm thực của xứ Đông bay xa.

NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG

Đồ họa: TUẤN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thức quà quý xứ Đông